Bóng chữa cháy có nên bổ sung trong khoang máy ô tô

Trên thị trường hiện có 2 - 3 nhãn hiệu quả cầu chữa cháy nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan nhưng có nên dùng?

Hỏi:

Tôi thấy trên thị trường có bán quả bóng kích thước tương đương quả dưa lưới, đường kính 15cm và nặng 1,3kg được gọi là bóng nổ chữa cháy, xin hỏi có lắp loại bóng này trong khoang máy hay trong ô tô phòng trừ cháy xe ngày hè được không?

Ngô Văn Hoàn (Đan Phượng, Hà Nội)

có nên lắp bóng chữa cháy trong khoang máy ô tô?

Ảnh minh họa

Cố vấn kỹ thuật Lê Văn Định, gara OND Auto (749 Phúc Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) tư vấn:

Trên thị trường hiện có 2 - 3 nhãn hiệu quả cầu chữa cháy nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan. Thực chất là quả bóng vỏ bằng nhựa chứa bên trong bột chữa cháy có thành phần cơ bản là bột NaHCO3.

Chất này tác dụng với nhiệt độ để sinh ra khí CO2 “làm ngạt” đám cháy.

Về cơ chế hoạt động, sau khi tiếp xúc với lửa, quả bóng sẽ tự kích hoạt, lớp vỏ bảo vệ nổ ra và bung lớp bột bao phủ ngọn lửa, dập đám cháy. Quả bóng có thể dùng để chữa cháy theo hai cách.

Chữa cháy chủ động là cầm bóng ném vào nơi đang cháy. Quả bóng sẽ tiếp xúc với ngọn lửa và bị kích hoạt bung nổ bột trong vòng dưới 3 giây.

Bóng sẽ nổ bụp và dập tắt đám cháy. Chữa cháy bị động là treo bóng tại nơi dễ xảy ra cháy. Khi lửa bén vào bóng, bóng sẽ nổ tung tóe bột ra dập tắt ngọn lửa.

Tuy nhiên, không nên dùng trang bị này trong khoang máy ô tô, vì các lý do sau. Vỏ bọc quả bóng bằng nhựa, loại vật liệu không chịu ẩm ướt và không chịu nhiệt cao, nên chưa cháy xe thì có thể sức nóng động cơ đủ làm quả bóng bung vỡ, phun bột ra khoang máy, gây giật mình cho người lái, mất an toàn khi đang lưu thông.

Ngoài ra, bột NaHCO3 khi bị phân hủy bởi nhiệt sẽ tạo ra chất Na2CO3 là chất cặn, sẽ làm ảnh hưởng đến các thiết bị điện tử.

Do đó, các loại bình chữa cháy dạng bột ít được sử dụng khi dập tắt đám cháy trong gia đình, bởi thế càng không nên lắp trong khoang máy hoặc đặt trong xe ô tô.

(Theo xe.baogiaothong.vn)